Nóng thông tin gỡ khó cho dự án, cổ phiếu NVL “tím lịm”
(ĐTCK) Thị trường có phiên tăng điểm nhẹ thứ 3 liên tiếp với thanh khoản tăng vọt. Tâm điểm đáng chú ý của thị trường là cổ phiếu NVL được hâm nóng bởi những thông tin liên quan đến việc gỡ khó cho dự án.
Trong bối cảnh thị trường chung phân hóa và chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ thì cổ phiếu NVL tiếp tục tạo sức nóng cho thị trường. Bên cạnh cú đảo chiều bật hồi gần 10 điểm giúp thị trường chung lấy lại sắc xanh, cổ phiếu NVL đã kéo trần thành công sau nỗ lực không thành ở phiên sáng.
Lực cầu tăng mạnh mẽ không chỉ hấp thụ toàn bộ lượng dư bán, kéo NVL lên kịch trần, mà còn dư mua trần tới hơn 4,6 triệu đơn vị. Kết phiên, NVL tăng hết biên độ lên mức 17.350 đồng/CP, tương ứng tăng gần 35% kể từ đầu tháng 11 và đây cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 2 tháng qua của cổ phiếu này. Đồng thời, thanh khoản NVL cũng xác lập mức cao nhất của 2 tháng, đạt xấp xỉ 68 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng lượng dư mua trần đạt 4,62 triệu đơn vị.
Một trong những thông tin đã “chắp cánh” cho cổ phiếu NVL chính là thông tin Thường trực Chính phủ sẽ họp về 3 nội dung tại tỉnh Đồng Nai. Trong đó có nội dung liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án tại phân khu C4, thuộc xã Long Hưng và một phần phường Tam Phước, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) liên quan tới CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) và một số doanh nghiệp.
Sức nóng cũng lan sang nhiều cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản và xây dựng, trong đó các mã vừa và nhỏ như CIG, HBC, SJS đều đóng cửa tăng trần, HDC tăng 5,5%, HTN, HU1 đều tăng hơn 4,5%… Ngoài ra, cổ phiếu DXG cũng nóng lên khi đóng cửa tăng 4,7% lên mức 21.200 đồng, đồng thời thanh khoản đứng thứ 2 của nhóm bất động sản và thuộc top 5 thị trường với hơn 38 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn đầu ngành vẫn không ngừng gia tăng sức ép lên thị trường đã khiến nhóm bất động sản không phải là nhóm tăng tốt nhất.
Trong khi đó, nhóm cùng “tần số” với thị trường là chứng khoán khởi sắc trở lại khi tất cả các mã niêm yết trên sàn HOSE đều hồi phục sắc xanh. Trong đó, bộ 3 gồm VIX, VND và SSI đều tăng trên dưới 1%, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 42,75 triệu đơn vị, 31,4 triệu đơn vị và 22,92 triệu đơn vị. Cổ phiếu tăng tốt nhất ngành là VCI, VDS, ORS đều đạt hơn 3%.
Nhóm trụ cột ngân hàng giao dịch phân hóa cùng thị trường chung, nhưng nhờ mã lớn VCB đảo chiều tăng nhẹ, cùng một số mã như CTG, TCB, VIB, SHB… hồi phục, đã giúp dòng bank nhích nhẹ khi kết phiên.
Trái lại, cổ phiếu lớn MWG vẫn giật lùi khi để mất gần 2,7%, tiếp tục khiến nhóm bán lẻ giảm mạnh nhất thị trường. Phiên hôm nay, cổ phiếu MWG đạt thanh khoản hơn 14,5 triệu đơn vị, nhưng vẫn là mã bị khối ngoại bán ròng khá mạnh, với gần 1,5 triệu đơn vị.
Quay lại diễn biến thị trường chung, phiên giao dịch sáng ngày 22/11 không có nhiều chuyển biến so với những phiên gần đây. Tâm lý giằng co của bên mua và bán khiến VN-Index khó tiến xa và chỉ số này vừa chạm vùng MA200 tại ngưỡng 1.115 điểm đã nhanh chóng thoái lui, thậm chí có diễn biến kém khả quan hơn về cuối phiên khi áp lực bán chiếm ưu thế hơn.
Sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá ảm đạm. Chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái lình xình dưới mốc tham chiếu khi lực bán có phần chiếm ưu thế hơn. Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, đà giảm nới rộng hơn khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép, đã đẩy VN-Index về gần ngưỡng 1.110 điểm.
Tuy nhiên, tại đây lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật hồi và vượt thành công mốc tham chiếu. Chỉ số VN-Index tiếp tục có thêm phiên tăng nhẹ thứ 3 liên tiếp và vẫn chưa thể vượt được ngưỡng cản 1.115 điểm dù thanh khoản tăng vọt vượt mức 20.000 tỷ đồng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 263 mã tăng và 93 mã giảm, VN-Index tăng 3,36 điểm (+0,3%), lên 1.113,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 946,28 triệu đơn vị, giá trị 20.241,92 tỷ đồng, tăng 32,79% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 134 triệu đơn vị, giá trị 2.886,5 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giao dịch phân hóa nhưng nhóm HNX30 tiếp tục góp công lớn giúp chỉ số chung đảo chiều hồi phục thành công.
Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,69 điểm (+0,3%), lên 230,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,33 triệu đơn vị, giá trị 1.914,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,01 triệu đơn vị, giá trị 126,18 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 5,3 triệu đơn vị, giá trị 90,13 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm của sàn HNX, trong đó SHS khởi sắc và đóng cửa tăng 2,2% lên mức giá cao nhất ngày 18.400 đồng/CP, đồng thời mã này đã lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 29,18 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh đó, nhiều mã khác cùng ngành cũng xác lập mức giá cao nhất trong ngày khi kết phiên như BVS tăng 2% lên 26.000 đồng/CP, MBS tăng 1,9% lên 22.000 đồng/CP.
Cũng như phiên sáng nay, cặp đôi vừa và nhỏ bất động sản là CEO và TIG đã giữ vững đà tăng cùng thanh khoản sôi động. Trong đó, CEO đóng cửa tăng 1,3% lên 23.400 đồng/CP và khớp 20,17 triệu đơn vị, còn TIG tăng 4,3% lên mức giá cao nhất ngày 12.200 đồng/CP và khớp 3,93 triệu đơn vị.
Một số mã khác trong rổ HNX30 đã khởi sắc trở lại, tiếp sức giúp thị trường hồi phục thành công như HUT, TNG, LAS…
Trên UPCOM, dù cũng bật hồi về cuối phiên nhưng thị trường kém may mắn hơn sàn niêm yết khi chưa thể lấy lại được sắc xanh.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,21%) xuống 86,04 điểm với 151 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,83 triệu đơn vị, giá trị 423,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,12 triệu đơn vị, giá trị 132,96 tỷ đồng, trong đó NAB thỏa thuận 7,2 triệu đơn vị, giá trị 94,32 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều diễn biến tích cực hơn trong phiên chiều. Trong đó, BSR vẫn giữ vị trí dẫn đầu với hơn 6,45 triệu đơn vị giao dịch, kết phiên tăng 1,1% lên 19.200 đồng/CP.
Tiếp theo là SBS, C4G, VTP đều tăng hơn 1-2%, thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, chứng khoán vẫn là điểm sáng của thị trường UPCoM. Bên cạnh SBS tăng 2,8%, các mã khác như AAS lấy lại mốc tham chiếu, TCI tăng 3,5%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ từ 1 đến hơn 3 điểm.
Trong đó, VN30F2312 tăng 1 điểm, tương đương +0,1% lên 1.112 điểm, khớp lệnh đạt cao nhất với hơn 281.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.370 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng phân hóa, trong đó mã CVPB2307 khớp lệnh tốt nhất với 5,85 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống 30 đồng/cq. Tiếp theo là CVIB2304 khớp 3,35 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 33,3% xuống 40 đồng/cq.