Góc thị trường: Nhu cầu dầu mỏ sẽ vượt mức trước khi bùng phát dịch COVID-19, cổ phiếu bất động sản vào “sóng”

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 13/9 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vào năm 2022 sẽ vượt mức từng đạt được trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 nhờ nỗ lực tiêm vaccine và sự phục hồi kinh tế.

Các nước OPEC+ rục rịch tăng sản lượng khai thác

Dự báo lạc quan trên được đưa ra trong bối cảnh nhóm OPEC+ (nhóm OPEC và các đối tác thành viên) đang bắt đầu nâng sản lượng để đáp ứng kịp nhu cầu dầu mỏ đang gia tăng.

Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ, OPEC cho biết: “Nhờ tỷ lệ tiêm phòng tăng, đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn và các hoạt động kinh tế và đi lại sẽ trở về các mức như trước khi bùng phát dịch.”

Nhờ các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh, OPEC hy vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước, và sẽ đưa lượng cầu về dầu mỏ toàn cầu lên mức trung bình 100,83 triệu thùng/ngày vào năm tới, cao hơn trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Báo cáo cho biết sản lượng dầu mỏ của OPEC tăng 151.000 thùng/ngày trong tháng 8, đạt mức 16,76 triệu thùng/ngày, nhờ các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq tăng sản lượng./.

Cổ phiếu bất động sản vào “sóng”

Nhóm cổ phiếu bất động sản, bất động sản xây dựng hay khu công nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư, nhất là khi một số cổ phiếu trong nhóm có giá tăng nhanh trong thời gian ngắn như AAV, IDJ, NHA…

Theo chuyên gia, cổ phiếu bất động sản và tài chính – ngân hàng là hai nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất, trung bình chiếm lần lượt 27% và 30% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE. Trong khi dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng giảm, nhóm bất động sản có thể đóng vai trò dẫn dắt sự vận động của thị trường trong những tháng cuối năm 2021.

Bởi lẽ, cuối năm thường là thời điểm ghi nhận doanh thu đột biến của các doanh nghiệp. Thị trường địa ốc vẫn đang được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp và chu kỳ tăng giá. Bên cạnh đó, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, xây dựng những tuyến đường mới, mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình đô thị hóa, từ đó giúp giá bất động sản nhiều nơi hưởng lợi. Nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng sẽ hấp dẫn hơn.

Tuy vậy, rủi ro từ dịch bệnh Covid-19 vẫn hiện hữu, có thể tác động đến tiến độ bàn giao sản phẩm cũng như dòng tiền của doanh nghiệp địa ốc. Một yếu tố khác là xu hướng tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào.

Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản là một nhóm ngành lớn, với nhiều doanh nghiệp niêm yết, đa dạng về chất lượng tài sản và chất lượng tình hình tài chính nên sẽ có sự phân hóa mạnh.

Dù có được sự thuận lợi nhờ môi trường lãi suất thấp, chính sách đầu tư công, quá trình đô thị hóa…, nhưng sẽ chỉ có một số doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này. Do vậy, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó nhận diện cơ hội đầu tư.

Những ý kiến lạc quan về ngành bất động sản giai đoạn cuối năm cho rằng, đây là thời điểm các doanh nghiệp sẽ tập trung bàn giao sản phẩm, hạch toán doanh thu, kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng tốt. Cùng với đó, môi trường vĩ mô thuận lợi như lãi suất thấp, đầu tư công được thúc đẩy.

Ngoài ra, mặt bằng định giá của ngành chưa tăng nhiều, trong khi lợi nhuận nửa đầu năm đã tăng mạnh so với cùng kỳ, đi kèm với sức khỏe tài chính được cải thiện nhờ giảm quy mô vay nợ, tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Điểm cần lưu ý là dịch bệnh nếu kéo dài sẽ gây cản trở quá trình giao dịch cũng như triển khai dự án, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là nhóm doanh nghiệp môi giới bất động sản.