Góc phân tích: Cơ hội đầu tư vẫn luôn hiện hữu, nhưng nhịp hồi phục của thị trường phụ thuộc vào kết quả kinh doanh quý III

Mặc dù thị trường vẫn chưa rõ xu hướng và chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố nhưng cơ hội đầu tư vẫn luôn hiện hữu. Nhà đầu tư nên đặt trọng tâm ưu tiên đầu tư vào doanh nghiệp thay vì theo dõi sát sao sự lên xuống của thị trường.

Cơ hội đầu tư luôn hiện hữu

Theo chuyên gia đánh giá, sẽ có 3 yếu tố có thể gây tác động lên thị trường trong nửa cuối tháng 9 cũng như những tháng cuối năm. Thứ nhất là kết quả kinh doanh các doanh nghiệp và số liệu kinh tế vĩ mô quý III. Thứ hai là tiến độ tiêm vaccine và kết quả chống dịch tại Việt Nam và cuối cùng là hoạt động của khối ngoại và các kỳ review các quỹ ETF. Trong khi số liệu quý III tuần tới vẫn tương đối hạn chế, các thông tin tích cực của tiến độ tiêm chủng vaccine và kiểm soát dịch bệnh sẽ là lực đỡ cho thị trường. Bên cạnh đó các quỹ ETF cũng thực hiện tái cơ cấu danh mục với xu hướng mua ròng là chủ đạo và có thể đảo chiều dòng vốn ngoại trong tuần tới.

Về mức độ mua bán, thị trường đang nghiêng về nhà đầu tư cá nhân khi vẫn duy trì mua ròng mạnh trong suốt thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư đã bán chốt lời và rút vốn giai đoạn vừa rồi sau khi hưởng lợi từ kết quả kinh doanh bán niên doanh nghiệp tăng trưởng đột biến, bù lại là dòng tiền margin của các công ty chứng khoán. Thanh khoản trong những phiên vừa qua chỉ xoay quanh 20 ngàn tỷ mỗi phiên và với tình hình thị trường đi ngang hiện tại nhà đầu tư sẽ hạn chế đẩy margin lên quá cao để giữ an toàn tài khoản. Ngoài ra, vừa qua rất nhiều công ty chứng khoán đã tăng vốn vì vậy phần nào đáp ứng nhu cầu margin gia tăng của thị trường vì vậy trong ngắn hạn không quá lo lắng về tình trạng căng thẳng margin.

Thị trường nếu nhìn nhận hiện tại vẫn có nhiều cơ hội hơn là rủi ro, và sau đợt khủng hoảng thì lại có làn sóng đầu tư mới hình thành. Trong điều kiện thị trường vẫn chưa rõ xu hướng và vẫn chịu chi phối bởi nhiều yếu tố, Chiến lược hiện tại có thể là là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu do tâm lý thị trường đã ổn định, tuy nhiên việc giải ngân mới cũng nên thận trọng, nên tập trung những cổ phiếu đã hiểu rõ hoặc đang có sẵn vị thế trong danh mục, tránh đầu tư dàn trải sẽ không đạt hiệu quả cao. Có thể mua những cổ phiếu vẫn có kết quả kinh doanh kỳ vọng tăng trưởng giai đoạn tới hoặc hưởng lợi từ các chính sách đầu tư công, đây sẽ là những cổ phiếu “phòng thủ” tốt nhất như nhóm logistics – cảng biển, vật liệu cơ bản, bất động sản, khu công nghiệp.

Đối với nhóm ngân hàng, đây cũng là cơ hội để tích luỹ tại các nhịp giảm điểm, kỳ vọng tăng trưởng trở lại vào nửa cuối tháng 9 để dẫn dắt thị trường chung.

Hiện nay, nhà đầu tư nên đặt trọng tâm ưu tiên đầu tư vào doanh nghiệp thay vì theo dõi sát sao thị trường. Những doanh nghiệp nào vừa qua có thể sống tốt qua đại dịch sẽ có sự bức phá rất nhanh giai đoạn hậu sau đó.

Thị trường vĩ mô tháng 9

Theo KSS, với quan điểm kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine. Trong đó, vaccine sẽ về nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 và dự kiến triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới. Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9.

Bên cạnh đó, tác động của Nghị quyết 63/NQ-CP, giải ngân vốn ngân sách khả năng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững triển vọng năm 2021. Giải ngân ước đạt 513.000 tỷ đồng.

Về xuất khẩu, chuyên gia kinh tế điều chỉnh dự báo tăng trưởng giảm xuống mức 19,4% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu duy trì ở mức 30,2% vào năm 2021.

Nguyên nhân do tăng trưởng xuất khẩu chịu ảnh hưởng khá mạnh từ tình trạng giãn cách xã hội. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của Hoa Kỳ đang hướng tới các mặt hàng ăn uống và du lịch giải trí thay vì các sản phẩm máy móc thiết bị.

Đồng thời, dự báo ước tính CPI tăng cuối quý III đạt mức 2,9-3,1% chủ yếu do giá lương, thực phẩm và giá dầu đều duy trì đà tăng mạnh.

Các yếu tố tích cực ảnh hưởng thị trường quý III là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ nới lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp; các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các ETFs VNM, FTSE công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục sẽ tăng thanh khoản cho thị trường; việc triển khai lô giao dịch 10 và chuyển các doanh nghiệp trở lại sàn HOSE sẽ tạo thuận lợi cho việc tăng thanh khoản của thị trường.

Với tình trạng giãn cách kéo dài, kết quả kinh doanh quý III sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Về chiến lược đầu tư tháng 9, KSS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm tiện ích và bán lẻ được hưởng lợi ngắn hạn từ các biện pháp giãn cách xã hội; nhóm cổ phiếu xuất khẩu như hóa chất, đá, gỗ, may mặc, thủy sản nhờ nhu cầu thế giới hồi phục.

Ngoài ra, nhà đầu tư nên nắm giữ chờ chốt vị thế tại các nhóm logistics gồm cảng biển, vận tải, kho bãi, hưởng lợi từ chuỗi cung ứng thế giới bị gián đoạn và thiếu hụt; và cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông.

Ngành liên quan đến hàng hóa như dầu khí, thép, vẫn còn tiềm năng nhờ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công thế giới.