Góc nhìn thị trường: làn sóng đầu tư công; nhóm nước G20 đặt thoả thuận vaccine toàn cầu

Nhìn lại giai đoạn nửa đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt dưới 40% kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vẫn về đích cả năm nhờ tăng tốc trong nửa cuối năm. Đây là cơ sở để giới đầu tư kỳ vọng giải ngân đầu tư công có thể hoàn thành kế hoạch năm.

Một số chuyên gia nhận định, năm nay, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh, đòi hỏi không chỉ nguồn lực kinh tế, mà còn nguồn lực chính trị, nhân lực… Điều này có thể nhìn thấy qua con số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,5%.

Tuy vậy, điểm sáng là việc hoàn tất lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng, địa phương giai đoạn tới sẽ tạo chất xúc tác mạnh mẽ để triển khai các dự án mới. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm 2021 và tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn này.

Thực tế cho thấy, đầu tư công tăng trưởng đột biến, với mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 34% so với con số 8 – 12% các năm trước đã trở thành động lực lớn giúp GDP tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép, gỗ, gạch, đá… đã cải thiện lợi nhuận một cách rõ rệt. Đi kèm với diễn biến thị trường chứng khoán trong nước thăng hoa, dòng tiền trên thị trường dồi dào, giá các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng đã có sóng tăng mạnh.

Sau đợt tăng giá ấn tượng vào nửa đầu năm 2021, các cổ phiếu ngành thép như HPG, TLH, SMC, NKG, HSG… tiếp tục có sóng ngắn. Trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu TLH tăng hơn 14%, SMC gần 8%, NKG 10,2%, trong khi HSG tăng 3,5%, và HPG chỉ nhích nhẹ hơn 1,6%.

Các chuyên gia KSS nhận định, hiện dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm ngành khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tạm nghỉ, dòng tiền đầu cơ nhanh chóng chốt lời và cần đến một nhóm cổ phiếu khác, trong đó đầu tư công được lựa chọn với kỳ vọng rằng sau khi dịch bệnh kết thúc khoảng tháng 9 – 10 thì đầu tư công sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Nhưng đó mới đang là kỳ vọng, thực tế chưa diễn ra và chờ đợi diễn biến kiểm soát dịch.

Dự báo thời gian tới, nhiều cổ phiếu tăng giá dựa trên nền kỳ vọng chung về đầu tư công, nhưng nhà đầu tư cũng cần chú ý, khi giá cả tất cả hàng hóa tăng lên, sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành – khiến biên lợi nhuận mỏng đi. Chỉ những doanh nghiệp tự chủ hoặc có vị thế để qua đó giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào tăng, thì mới tạo được cơ hội đầu tư tốt, nhà đầu tư cần có sự sàng lọc.

Sóng đầu tư công trên thị trường chứng khoán hiện nay chỉ mới chớm, trong ngắn hạn, sau khi giá tăng mạnh vì dòng tiền luân chuyển nhanh như hiện nay (do mất đi sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán…) thì diễn biến giá tăng này có phần “cảm tính” nhiều hơn.

Nhóm G20 đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận vaccine toàn cầu

Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đang diễn ra tại Rome, bộ trưởng các nước đã thảo luận việc phối hợp các chiến lược nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch COVID-19, trong đó kế hoạch tăng cường phân phối vaccine cho các nước nghèo hơn có nhu cầu được coi là yếu tố rất quan trọng để đạt mục tiêu này.

Bộ trưởng Y tế Italy bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đạt được “Hiệp ước Rome” về phân phối vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho toàn bộ người dân trên thế giới.

Các quốc gia giàu nhất và có tiềm lực nhất cam kết xây dựng một chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho tất cả các nước. Chỉ bằng cách làm việc cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân phối vaccine COVID-19 một cách công bằng hơn, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về tiếp cận vaccine phòng bệnh.