Ẩn số cổ phiếu ngân hàng
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng góp phần quan trọng kéo chỉ số VN-Index trong những phiên hồi phục tuần qua, nhưng để tạo ra một xu hướng tăng bền vững sẽ cần thời gian để các ngân hàng xử lý nhiều vấn đề nội tại, trong đó có nợ xấu!
Ngắn hạn khó tăng mạnh
Mức vốn hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên 2 sàn HOSE và HNX tính đến ngày 7/11 khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, chiếm 37% vốn hóa toàn thị trường. Thanh khoản nhóm ngành ngân hàng với giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng vừa qua đạt 3.554 tỷ đồng/phiên, chiếm khoảng 18% so với thanh khoản chung. Với vai trò đó, cổ phiếu ngân hàng luôn là nhóm ngành được các nhà đầu tư lớn ưu tiên cân nhắc khi tham gia thị trường.
Nhà đầu tư Trần Khoa cho rằng, ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu ưa thích để đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn rất khó để nhóm này bứt phá, vì nhiều ngân hàng đón nhận kết quả kinh doanh quý III/2023 không tích cực khi sụt giảm so với cùng kỳ. Trong quý IV này, khả năng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có nhiều đột phá, chi phí vốn vẫn ở mức cao và nợ xấu đang có xu hướng tăng cũng sẽ làm tăng việc trích lập dự phòng. Điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu khó có sự đi lên mạnh trong ngắn hạn.
“Nhóm ngành ngân hàng dự báo chỉ khởi sắc trở lại vào năm 2024 khi chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới đi vào giai đoạn cuối, xu hướng giảm lãi suất toàn cầu sẽ kích thích làn sóng sản xuất và tiêu dùng mới, từ đó nhu cầu vốn của nền kinh tế nói chung sẽ khởi sắc hơn”, ông Khoa nói và cho biết, cổ phiếu ngân hàng đã có một nhịp điều chỉnh. Dòng tiền có thể đã thoát ra khỏi nhóm này, nhưng trong bối cảnh thị trường chung phân hóa mạnh và diễn biến thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên dòng tiền lại quay trở về với các mã ngân hàng, đặc biệt là một vài cổ phiếu “ăn chắc mặc bền” như BID, VIB, ACB…
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, bên cạnh bức tranh chung toàn ngành, các yếu tố nội tại của từng ngân hàng cũng hàm chứa nhiều yếu tố có thể xem xét thêm. Mô hình kinh doanh và chiến lược dài hạn của ngân hàng là yếu tố mà nhà đầu tư nhà đầu tư trung và dài hạn nên quan tâm, bởi nó sẽ cấu thành cơ cấu nguồn thu nhập trong tăng trưởng doanh thu lợi nhuận trong tương lai, đồng thời đánh giá được toàn diện hơn về các yếu tố rủi ro tác động.
Hiện nay, thu nhập lãi thuần vẫn chiếm vai trò chính trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, nên tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) là các yếu tố quan trọng nhà đầu tư nên quan tâm khi đánh giá về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên xem xét mức độ bền vững của nguồn thu nhập chính này, dựa trên việc đánh giá thêm về chất lượng cho vay khách hàng (cá nhân, tổ chức), quy mô, tính chất, kỳ hạn hoạt động cho vay (ngắn, trung, dài hạn và phân bổ theo các ngành), đồng thời đánh giá về nguồn vốn huy động có phù hợp với hiện trạng này (kỳ hạn, chi phí vốn huy động…).
Về mức độ đa dạng hóa nguồn thu, dựa trên mô hình và chiến lược của từng ngân hàng, nhà đầu tư nên quan tâm thêm yếu tố về tỷ trọng thu nhập ngoài lãi và mức độ đa dạng của thu nhập ngoài lãi.
Cuối cùng, chất lượng tài sản là yếu tố mà nhà đầu tư không nên bỏ qua, trong đó nợ xấu, nợ xấu tiềm ẩn và chất lượng tài sản đầu tư là những yếu tố quan trọng.
Nợ xấu – biến số cần lưu tâm
Hệ số P/B của nhóm ngân hàng đang ở mức 1,5 – 1,6 lần, thấp hơn 15 – 25% so với mức định giá P/B trung bình 5 năm trở lại đây. Nếu xét theo hệ số P/B thì nhóm cổ phiếu ngân hàng không đắt, nhưng chắc chắn không còn quá rẻ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace, ở thời điểm này, nhà đầu tư cần quan tâm đặc biệt yếu tố nợ xấu của các ngân hàng. Mức P/B 1,5 lần hiện tại hoàn toàn có thể tăng lên nếu tỷ lệ nợ xấu tiếp tục gia tăng. Lý do là từ mối liên hệ trực tiếp giữa tỷ lệ nợ xấu và vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán thông qua lợi nhuận giữ lại (retained earnings). Nợ xấu gia tăng đòi hỏi các ngân hàng phải gia cố bộ đệm dự phòng là LLR (tỷ lệ bao phủ nợ xấu). Nhưng trong bối cảnh tỷ lệ LLR trung bình của nhóm ngân hàng đang ở mức thấp khi đã giảm một nửa so với quý IV/2022 (từ 150% về 75%), áp lực phòng thủ khiến các ngân hàng có thể phải rút lợi nhuận để chuyển vào trích lập dự phòng và tăng LLR. Chính vì thế, thu nhập giữ lại sẽ bị giảm và giảm trực tiếp tới vốn chủ sở hữu, khi mẫu số B (Book value per share) giảm thì hệ số P/B sẽ tăng lên.
Theo phân tích của chuyên gia FinPeace, xu hướng gia tăng nợ xấu mạnh lên từ quý III và khả năng sẽ tiếp tục trong quý IV/2023. Đơn cử như tại Ngân hàng Tiên Phong (TPB), tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng từ 0,8% lên 3% tính từ quý IV/2022. Nguyên nhân chính của việc gia tăng nợ xấu là do sự suy yếu của nền kinh tế kéo dài từ cuối năm 2022, đặc biệt từ lĩnh vực bất động sản vốn phụ thuộc vào vốn ngân hàng lại gần như đóng băng. Đặc thù của việc ghi nhận nợ xấu sẽ có độ trễ, khi nào khoản vay đến kỳ đáo hạn thì mới ghi nhận nên 2 quý cuối năm 2023 đang bị phản ánh khá nhiều từ việc hình thành nợ xấu vào cuối năm 2022. Do đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong quý IV/2023 và có thể kéo dài sang quý I/2024.
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã tăng nhanh trong năm 2023, phản ánh những diễn biến tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chu kỳ suy giảm của ngành bất động sản và kinh tế tăng trưởng chậm lại. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng hiện đã tăng lên mức 3% và chi phí dự phòng của các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận ròng của hầu hết ngân hàng sẽ thu hẹp.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc phân tích PSI cho rằng, dù ngành ngân hàng vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, nhưng kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý IV sẽ khó có đột phá do tác động của áp lực chi phí dự phòng.
Thực tế, nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn lợi nhuận của ngân hàng. Điều này càng đáng quan tâm trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng bị bào mòn trong 2 quý gần đây. Thời điểm quý IV/2022, tỷ lệ LLR trung bình của nhóm ngân hàng lên tới trên 150% nhưng đến hiện tại, LLR trung bình ngành chỉ còn 75%. Do vậy, trong thời gian tới các ngân hàng sẽ ưu tiên tăng LLR lên trên 100% bằng cách rút lợi nhuận sang để “phòng thủ” nhiều hơn là tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận trước mắt, nên sẽ khó có thể kỳ vọng vào sự bứt phá lợi nhuận của nhóm ngành này trong một đến hai quý tới.
Chọn mặt, gửi tiền
Theo nhận định của ông Nguyễn Tuấn Anh, xét về xác suất tăng điểm, nhóm ngân hàng có nhiều khả năng tăng giá trong chu kỳ 1-2 tháng tới, tuy nhiên về lợi nhuận kỳ vọng thì chỉ ở mức trung bình bởi 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, dư địa để nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng không nhiều do khoảng cách từ giá hiện tại cho tới đỉnh tạm thời của VN-Index vào tháng 9/2023 là không lớn. Tại đỉnh cũ, giá cổ phiếu sẽ gặp lực cung lớn và cần thời gian để hấp thụ.
Thứ hai, dòng tiền vào thị trường hiện tại dù đã tăng nhưng vẫn chưa đủ lớn để có thể “đẩy” một dòng cổ phiếu nặng như dòng ngân hàng.
Nhận xét về các cổ phiếu cụ thể, đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, theo ông Tuấn Anh, SHB đang có cung – cầu khối lượng lớn. Ngoài ra, biến động xác nhận tăng giá của SHB đã xuất hiện từ sớm trước thị trường chung, điều này cho thấy người mua đang nhạy hơn thị trường và rất quyết đoán. Tuy nhiên, đây là cổ phiếu biến động mạnh, cần mua bán quyết liệt ngắn hạn, không phù hợp nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Đối với nhà đầu tư dài hạn, MBB hoặc TPB là hai ngân hàng tiếp tục có mức tăng trưởng nội tại tốt. Tuy 2023 là năm còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm bản lề cho sự tăng trưởng dài hạn tiếp theo của các ngân hàng này.
Như đã phân tích ở trên, nợ xấu của ngân hàng đang có xu hướng tăng dần, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm, tức là tốc độ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không theo kịp tốc độ gia tăng nợ xấu. Do vậy, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ xu hướng này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup nhận định, với diễn biến hiện tại của ngành thì nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ khó có sự bứt phá, nhưng cũng không đến mức đi xuống, mà có thể tạo một vùng đi ngang từ nay đến cuối năm.
Kết quả kinh doanh quý III/2023 cho thấy có sự tụt dốc từ thu nhập lãi thuần, nhưng theo ông Trung, có vẻ như các ngân hàng đã đẩy mạnh các mảng khác như thu nhập từ hoạt động dịch vụ, từ mảng kinh doanh ngoại hối, kinh doanh và đầu tư chứng khoán để bù lại phần hụt từ thu nhập từ hoạt động cho vay tín dụng. Kết quả kinh doanh quý IV do vậy có thể không vượt trội, nhưng khả năng vẫn ở mức ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
“Việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để giải ngân ở giai đoạn hiện tại, theo tôi, nên đặt ra mục tiêu dài hạn cho đến khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại và hoạt động tín dụng tăng tốc, kéo theo các chỉ tiêu như NIM, NPL hay LLR của ngân hàng cải thiện”, ông Trung nói.