Hồi là bán, khối ngoại cũng tháo chạy, cổ phiếu lại lao dốc cả loạt cuối phiên
Thị trường bất ngờ mạnh lên trong khoảng nửa đầu phiên chiều nay, nhưng khi “giờ vàng” điểm, lực bán lại tăng vọt đẩy cổ phiếu quay đầu giảm cả loạt. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, GVR, CTG, ACB gây áp lực rất lớn lên chỉ số, nhưng độ rộng cũng cho thấy có hiện tượng tranh thủ bán ra trên diện rộng.
Dường như quy luật 2h chiều đã lặp đi lặp lại kể từ thị trường áp dụng T+2,5. Từ thời điểm này áp lực bán tăng cao hơn bình thường do có thêm lượng cổ phiếu mới về. Thật ra khi cổ phiếu về thì tiền bán cũng về, nhưng nhà đầu tư không có lý do để mua, dẫn đến cung cầu chênh lệch.
Chênh lệch này càng nổi bật trong bối cảnh thị trường quá xấu, nhà đầu tư chỉ mong bán cổ phiếu đi để cắt lỗ, chứ ít người nghĩ đến việc bắt đáy. Xu hướng giảm buổi sáng dễ ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong buổi chiều, dù đã có vài lần tình huống ngược xảy ra khi thị trường lại được kéo lên mạnh thay vì giảm.
Chiều nay thị trường phục hồi tốt nửa đầu và lao dốc nặng nửa cuối. VN-Index bật qua tham chiếu ngay khi sàn mở cửa trở lại. Đà tăng kéo dài đến khoảng 2h thì bắt đầu chuyển xấu. Tín hiệu sớm là độ rộng: Thời điểm mạnh nhất của phiên chiều lúc 1h40, VN-Index ghi nhận 240 mã tăng/209 mã giảm. Tuy nhiên chỉ 20 phút sau đã chỉ còn 190 mã tăng/253 mã giảm. Trong 30 phút còn lại độ rộng tiếp tục co hẹp và kết đợt khớp lệnh liên tục là 130 mã tăng/333 mã giảm. Chốt phiên HoSE ghi nhận 144 mã tăng/312 mã giảm.
Thay đổi từ độ rộng cho thấy đã có đợt bán mới xuất hiện và tạo sức ép ở nhiều cổ phiếu. VN-Index dĩ nhiên chịu áp lực, chưa kể đến biến động khá xấu của một số mã vốn hóa lớn góp phần đẩy nhanh hơn tốc độ lao dốc. Đáng kể nhất là HPG chiều nay bốc hơi tới 4,31% giá trị so với phiên sáng, chốt phiên giảm 4,56% so với tham chiếu; GVR giảm tới 5,93% chiều nay, chốt giảm 6,17% so với tham chiếu; CTG giảm 5,03% tức là đảo chiều từ xanh thành đỏ, kết phiên mất 3,94%; ACB cũng lao dốc 3,89%, kết phiên giảm 2,78%…
Thống kê trong rổ VN30 thì có 18 mã hạ độ cao so với phiên sáng và 10 mã tăng cao hơn. Số tốt lên có VRE tăng thêm 1,9% và kết phiên tăng 2,3% so với tham chiếu; VIC tăng 2,15%, nâng mức tăng chung cuộc lên 2,7%; SAB tăng thêm 2,17%, kết phiên tăng 3,18%. Nhờ các cổ phiếu này mà VN30-Index chịu thiệt hại ít hơn VN-Index, chỉ giảm 0,39% lúc đóng cửa, trong khi chỉ số chính giảm 0,76%.
HoSE kết phiên có 19 mã giảm sàn với nhiều mã chịu áp lực rất lớn như BSI giao dịch 21,7 tỷ đồng thanh khoản; VCG giao dịch 150,7 tỷ; IDI giao dịch 44,8 tỷ… Ngoài ra còn rất nhiều cổ phiếu thanh khoản cỡ trăm tỷ đồng và giá lao dốc 4%-6% như DXG, HCM, VCI, DCM, VND, GEX, DPM, HPG, HAG, CII…
Xếp theo thanh khoản cho thấy các mã giao dịch lớn hôm nay giảm giá là chủ yếu.
Nét tích cực hiếm hoi là thị trường duy trì độ phân hóa mờ nhạt với 144 cổ phiếu chịu được áp lực cắt lỗ phiên chiều và giá vẫn trên tham chiếu. Đáng kể là HAH, HDC, VIC, VJC, GMD, MWG, VRE, SBT, PVD thanh khoản khá cao và giá tăng tốt. Tuy vậy về cơ bản đà giảm mạnh vẫn áp đảo hoàn toàn, trong khi số tăng ngược dòng chủ yếu là các mã thanh khoản rất kém.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là những mã chịu tổn thất lớn nhất. Chỉ số Midcap giảm 2,04%, Smallcap giảm 1,63% trong khi VN30 giảm 0,39%. Độ rộng của VN30 cũng khá cân bằng với 15 mã tăng/14 mã giảm. Trong khi đó Smallcap có số lượng cổ phiếu giảm nhiều gấp 2,5 lần số tăng, Midcap số giảm gấp 2,3 lần.
Những nỗ lực phục hồi không thành công trong buổi chiều cho thấy nhà đầu tư vẫn đang tranh thủ có giá tốt để cắt lỗ giảm thiệt hại. Điều này có thể liên quan đến nhu cầu cắt giảm đòn bẩy khi giá thua lỗ rất nhanh trong những phiên lao dốc nặng vừa qua. Thanh khoản chiều nay trên hai sàn niêm yết tăng 23% so với buổi sáng, đạt 6.193 tỷ đồng. Lượng hàng về vẫn tiếp tục bị bán tháo ngay lập tức đã gia tăng áp lực.
Khối ngoại cũng tăng quy mô bán đột biến trong buổi chiều, với tổng mức xả ở HoSE tới 1.219 tỷ đồng, trong khi chỉ mua vào 776 tỷ đồng. Bán tăng cường độ khiến vị thế ròng cả phiên tăng vọt lên -472,3 tỷ đồng, dù cuối phiên sáng mới bán ròng 29,3 tỷ đồng. HPG bị xả đột biến 179 tỷ đồng (phiên sáng mới bán ròng 27,8 tỷ). Thêm STB -117,2 tỷ, SSI -63,5 tỷ, VND -60,5 tỷ. Nhóm DPM, DXG, CTG, DGC bị xả lớn quanh 30 tỷ đồng ròng. Phía mua chỉ có hai chứng chỉ quỹ FUEVFVND +26 tỷ và E1VFVN30 +21,7 tỷ là đáng kể.
Nguồn: vneconomy.vn