Tháng 11 mang lại lợi nhuận tốt nhất trong nhiều năm cho các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Tháng 11 đã cho thấy một cái nhìn thoáng qua về sự vượt trội mà các thị trường mới nổi có thể mang lại trong giai đoạn hậu kích thích, khi giai đoạn chín muồi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Cổ phiếu, tiền tệ và trái phiếu địa phương ở các quốc gia đang phát triển đã tăng mạnh trong tháng 11, đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2016 và cũng từng là giai đoạn có mức tăng lớn nhất kể từ thời kỳ bùng nổ hàng hóa vào đầu những năm 2000. Điều đó đã giúp chỉ số cổ phiếu của thị trường mới nổi vượt trội nhiều nhất so với chỉ số S&P 500 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tài sản ở các quốc gia đang phát triển hơn đã hoạt động kém hiệu quả hơn so với Mỹ trong hầu hết 14 năm qua khi họ nhận được ít hơn từ gói kích thích khổng lồ của Fed, hầu hết trong số đó đã giúp củng cố thị trường Mỹ.

Đồng đô la đã không ngừng tăng từ mức cao kỷ lục này sang mức cao kỷ lục khác làm giảm khẩu vị rủi ro trong bối cảnh khủng hoảng nợ ở các quốc gia nhỏ hơn, khó khăn kinh tế của Trung Quốc và đại dịch Covid thường xuyên gây ra khủng hoảng ở các nền kinh tế mới nổi.

Câu chuyện đó bắt đầu thay đổi trong tháng này. Các nhà quản lý tiền tệ hàng đầu thế giới bao gồm cả Morgan Stanley đã dự đoán mức đỉnh của đồng đô la và một sự thay đổi mô hình sẽ có lợi cho các thị trường mới nổi. Với việc tăng lãi suất sớm, chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã được phản ánh ở các nền kinh tế mới nổi và mức định giá hiện đang quá rẻ để có thể phớt lờ.

Các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi nhận thấy cơ sở cho sự phục hồi ở các thị trường mới nổi. Đầu tiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy các điều kiện khiến đồng đô la suy yếu, đây luôn là điểm khởi đầu hữu ích. Tăng trưởng toàn cầu phục hồi từ mức thấp trong quý đầu tiên cho đến cuối năm và được dẫn dắt bởi các nền kinh tế mới nổi”.

Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đã tăng 12% trong tháng 11, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2016. Con số này gần gấp 2 mức tăng của chỉ số Stoxx 600 và gấp 5 lần so với chỉ số S&P 500.

“Các chu kỳ mới cũng mang lại sự lãnh đạo mới và sau khi thị trường giá xuống ở thị trường mới nổi dài nhất được ghi nhận, chúng tôi dự báo thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023 trong trường hợp cơ bản”, các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết.

Chỉ số chính của đồng nội tệ thị trường mới nổi đã tăng hơn 3,1% trong tháng 11, đây cũng là mức tốt nhất kể từ tháng 3/2016. Lần đầu tiên chỉ số này giao dịch trên mức trung bình động 100 ngày kể từ tháng 4, một dấu hiệu cho thấy lo lắng về xung đột Nga-Ukraine của các nhà đầu tư đang có phần lắng xuống. Đồng rand của Nam Phi, một đại diện cho triển vọng thị trường mới nổi, đã công bố hiệu suất tốt nhất thế giới so với đồng đô la trong tháng 11.

Nhiều quốc gia mới nổi từ Brazil đến Hungary đã chủ động tăng lãi suất khi Fed có quan điểm diều hâu. Tác động lũy kế của việc tăng lãi suất đã thúc đẩy lợi suất thực tế vượt xa mức của các quốc gia phát triển.

Trong một năm thua lỗ kỷ lục đối với cả trái phiếu bằng đồng đô la và nội tệ, tháng 11 như một luồng gió mới. Trái phiếu không chỉ tăng giá mà còn vượt trội so với mức tăng của giá trái phiếu Mỹ, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu một lần nữa háo hức săn lùng lợi suất cao hơn.

Uday Patnaik, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại thị trường mới nổi của Legal & General Investment Management cho biết: “Đây là kết quả của việc lạm phát ở Mỹ bất ngờ đi xuống và các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó là kỳ vọng vào sự nới lỏng dần trong chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Từ quan điểm kinh tế, các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ vượt trội so với các nền kinh tế phát triển khá đáng kể vào năm 2023”.

Nguồn: Hạc Hiên – tinnhanhchungkhoan.vn