Khủng hoảng năng lượng châu Âu sẽ trầm trọng hơn khi chính sách tiền tệ bị siết chặt

Khó khăn của châu Âu trong việc tìm nguồn cung dầu và khí đốt trong mùa đông này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi một cuộc khủng hoảng mới trên thị trường điện, nơi giá cả vốn đã tăng nóng: khủng hoảng thanh khoản có thể khiến điện đội giá hơn nữa.

Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu lại tỏ ra khá chậm trễ trong việc hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện trên bờ vực sụp đổ. Các chính quyền đang nỗ lực giảm bớt áp lực lên cột sống của nền kinh tế – thị trường điện cần vận hành trơn tru để đảm bảo giữ ấm cho người dân.

Một nhà giao dịch năng lượng cho biết: “Hiện thị trường kỳ hạn không hoạt động, sau đó vấn đề lan tới thị trường giao ngay, và dẫn đến giá cả cao hơn, lạm phát cao hơn”.

Vấn đề được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên vào tháng 3 vừa rồi khi một hiệp hội các nhà giao dịch hàng đầu, các công ty tiện ích, các chuyên gia dầu mỏ và các chủ ngân hàng gửi một lá thư đến các cơ quan quản lý kêu gọi các phương án dự phòng.

Động thái này được kích hoạt bởi tình trạng người dùng điện đổ xô đi mua các công cụ phái sinh để phòng vệ giá trước việc giá khí đốt tăng vọt, bằng cách thực hiện một vị thế ‘bán khống’.

Những người chơi trên thị trường thường vay để lập vị thế bán khống trên thị trường kỳ hạn, 85-90% tài trợ bởi các ngân hàng. Khoảng 10-15% giá trị của giao dịch ngắn hạn, được gọi là ký quỹ tối thiểu, được chi trả bởi tiền của chính các nhà giao dịch và được gửi vào tài khoản của công ty môi giới.

Nhưng nếu tiền trong tài khoản giảm xuống dưới mức yêu cầu ký quỹ tối thiểu, trong trường hợp này là 10-15%, sẽ kích hoạt margin call.

Do giá điện, khí đốt và than đã tăng trong năm qua, nên giá bán khống cũng vậy, với kết quả là các đợt call margin buộc các công ty dầu khí, các công ty thương mại và các công ty điện lực buộc phải bỏ thêm vốn.

Một số người tham gia bán khống, đặc biệt là các công ty nhỏ, đã bị tổn hại nặng nề về tài chính, họ buộc phải thoát vị thế hoàn toàn sau biến động chính trị Nga – Ukraine vào tháng Hai, khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu nói chung trở nên tồi tệ hơn.

Sụt giảm số lượng người tham gia luôn làm giảm tính thanh khoản của thị trường, do đó có thể dẫn đến giá trở nên bất ổn hơn, và những đợt tăng mạnh có thể làm tổn thương ngay cả những người chơi lớn.

Kể từ cuối tháng 8, các chính phủ Liên minh châu Âu đã vào cuộc để trợ giúp các công ty tiện ích như Uniper của Đức.

Tuy nhiên, với những đợt tăng giá đột biến vào mùa đông sắp tới, không có dấu hiệu nào về việc các chính phủ và EU có thể nhanh chóng hỗ trợ các ngân hàng hoặc các công ty tiện ích khác nạp thêm tiền ký quỹ để bảo toàn vị thế trên thị trường kỳ hạn.

Các sàn giao dịch, công ty thanh toán bù trừ và nhà môi giới đã nâng yêu cầu ký quỹ ban đầu lên 100% -150% giá trị hợp đồng từ mức 10-15%, các ngân hàng và các bên thương mại cho biết, khiến việc phòng vệ giá trở nên quá tốn kém đối với nhiều công ty.

Ví dụ, sàn giao dịch ICE đang tính lãi suất ký quỹ lên tới 79% đối với hợp đồng khí đốt TTF của Hà Lan.

Mặc dù những người tham gia thị trường cho biết thanh khoản biến mất nhanh chóng có thể làm giảm giao dịch nhiên liệu như dầu, khí đốt và than đá và dẫn đến gián đoạn nguồn cung và phá sản, các nhà quản lý vẫn cho rằng rủi ro vẫn không đáng kể.

Trong tháng này, công ty nhà nước Equinor của Na Uy, nhà kinh doanh khí đốt hàng đầu của châu Âu, cho biết các công ty năng lượng châu Âu, ngoại trừ Anh, cần ít nhất 1,5 nghìn tỷ euro (1,5 nghìn tỷ USD) để trang trải chi phí do giá khí đốt tăng cao.

Con số này tương đương với giá trị 1,3 nghìn tỷ đô la của các khoản thế chấp dưới chuẩn của Hoa Kỳ vào năm 2007, điều đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói với Reuters rằng trong trường hợp xấu nhất, thiệt hại sẽ lên tới 25-30 tỷ euro (25-30 tỷ USD), chủ yếu là lỗ của các nhà đầu cơ hơn là các nhà sản xuất và người tiêu dùng nhiên liệu.

‘CẦN PHÒNG VỆ GIÁ HÀNG HOÁ’

Tuy nhiên, một số nhà giao dịch và ngân hàng đã yêu cầu các cơ quan quản lý như ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cung cấp bảo lãnh hoặc bảo hiểm tín dụng cho các nhà môi giới và thanh toán bù trừ để giảm mức ký quỹ ban đầu xuống thời điểm trước khủng hoảng.

Điều này sẽ giúp người tham gia trở lại thị trường và tăng tính thanh khoản.

ECB và BoE đã gặp một số nhà giao dịch và ngân hàng lớn kể từ tháng 4, các nguồn tin giao dịch, quản lý và ngân hàng cho biết, nhưng không có biện pháp cụ thể nào đạt được từ các cuộc tham vấn.

“Đó là một điểm rủi ro quá lớn đối với một ngân hàng. Các ngân hàng đã hoặc gần chạm đến mức rủi ro thanh khoản và rủi ro đối tác”, một nguồn tin ngân hàng cấp cao liên quan đến tài chính hàng hóa cho biết.

Các ngân hàng có lượng vốn nhất định cấp cho một ngành cụ thể hoặc một đối tác cụ thể và việc giá cả tăng đột biến và giảm số lượng người giao dịch trên thị trường đang khiến chỉ số quản lý rủi ro của một số ngân hàng tiệm cận ngưỡng này.

ECB đã nhiều lần cho biết họ không nhận thấy rủi ro hệ thống có thể gây mất ổn định khu vực ngân hàng. ECB từ chối đưa ra bình luận mới.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết trong tháng này này sẽ hỗ trợ các biện pháp tài khóa để cung cấp thanh khoản cho những người tham gia thị trường năng lượng có sức khoẻ tài chính tốt, bao gồm các công ty tiện ích, trong khi ECB sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng nếu cần.

Trong khi đó, Kho bạc và Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố kế hoạch tài trợ 40 tỷ bảng Anh (46 tỷ USD) trong tháng này cho “các yêu cầu thanh khoản bất thường” và hỗ trợ ngắn hạn cho các công ty bán buôn năng lượng.

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính cho biết đang thực hiện các biện pháp vào thời điểm thích hợp sau khi theo dõi thị trường một thời gian và phù hợp với các đồng cấp châu Âu.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng và hàng hóa vẫn không rõ ràng, bởi các giao dịch hàng thật được bảo vệ bằng các công cụ tài chính, còn hoạt động giao dịch các công cụ tài chính này lại bị ràng buộc bởi một loạt quy tắc nội bộ của rất nhiều bên liên quan.

Và vì không có cơ quan quản lý hoặc sàn giao dịch nào duy trì sổ đăng ký trung tâm cho các giao dịch nên không thể nhìn thấy bức tranh đầy đủ, các nguồn tin tại một số công ty hàng hóa lớn cho biết.

Tuy nhiên, đối với một số bên, tín hiệu rất rõ ràng.

Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại Trafigura, phát biểu tại một hội nghị vào tuần trước: “Vị thế mở và khối lượng đã giảm đáng kể do những gì đang diễn ra ở phía margin”.

“Cuối cùng thì thanh khoản giao dịch tại thị trường hàng thật cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi hầu như các bên giao dịch hàng thật cũng kết hợp sử dụng công cụ phòng vệ giá.”.

 

Nguồn: Reuters